Hầu hết các loài cây trên cạn khi bị ngập úng lâu sẽ chết vì thối rễ có lẽ là điều ai cũng đã biết. Bệnh thối rễ ở cây trồng có thể gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và chủ vườn.

Nguyên nhân chủ yếu có thể là do quy trình tưới cây có vấn đề. Cây trồng khi bị úng vẫn có thể sống xót nếu bộ rễ có khả năng chịu được úng ngập ở mức độ nhất định. Thường những cây ưa điều kiện sinh trưởng ở vùng cao sẽ có khả năng chịu úng kém hơn so với cây ở vùng đồng bằng và ven biển. Tuy nhiện khi nói về tình trạng úng ngập thì nguy hiểm nhất vẫn là úng cục bộ, rất khó để phát hiện. Tình trạng úng cục bộ sẽ khiến đất hoặc giá thể ngậm nước trong thời gian dài, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn tấn công bộ rễ. Bệnh thối rễ lây lan khá nhanh, nếu không hành động kịp thời thì tỉ lệ cây trồng chết sẽ rất cao.

Phòng ngừa là cách tốt nhất để làm và chúng ta chỉ có thể cứu cây thối rễ nếu phát hiện sớm. Trong bài viết này, OnlyPlants VN sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu cây trồng bị thối rễ, nguyên nhân, cách cứu cây thối rễ và quan trọng nhất là cách ngăn chặn điều đó xảy ra.

Bệnh thối rễ là gì?

Bệnh thối rễ xảy ra khi cây trồng của bạn bị tấn công bởi các chủng vi sinh vật, virus, nấm và vi khuẩn hoai mục. Một vài cái tên gọi hàn lâm của chúng có thể kể đến như Fusarium, Pythium, Phytophthora, Rhizoctonia… Những vi khuẩn này sẽ khiến bộ rễ tổn thương và biến đổi thành màu nâu đen, khiến cây không thể vận chuyển được chất dinh dưỡng lên các bộ phận khác. Tính lây lan của chúng rất nhanh khiến khả năng làm cây chết rất lớn, và rất tiếc phải nói rằng thường thì chúng ta sẽ không kịp đối phó với bệnh.

Cây trồng chậu sẽ dễ bị thối rễ nhất trong số cây trồng trên cạn. Môi trường đất trồng nhân tạo không cân bằng các yếu tố như đất tự nhiên. Bạn phải thật chắc chắn rằng khi gieo hạt ươm cây trong chậu phải đạt những điều kiện tốt nhất.

HƯỚNG DẪN CỨU CÂY THỐI RỄ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT - OnlyPlants VN
HƯỚNG DẪN CỨU CÂY THỐI RỄ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT – OnlyPlants VN

Nguyên nhân gây thối rễ ở cây trồng

Bệnh thối rễ nguyên nhân sâu xa là do độ ẩm. Đất hoặc giá thể ngậm quá nhiều nước trong thời gian dài là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh phát triển. Sau đây là những nhân tố chủ quan:

Tưới thừa nước

Đây là nguyên nhân mà rất nhiều người phạm phải. Tưới thừa nước cho cây vượt quá giới hạn khả năng chịu đựng là bước đầu gây thối rễ. Tưới nhiều sẽ làm rễ bị ngộp và giảm lượng oxi trong đất, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Tham khảo bài viết: “10 KỸ THUẬT TƯỚI NƯỚC CHO CÂY CẢNH TRONG NHÀ”

Đất và giá thể thẩm thấu kém

Đất có tỉ lệ sét cao sẽ giữ nước lâu hơn vì thế độ thẩm thấu sẽ kém hơn. Nếu cây trồng trong chậu mà tỉ lệ sét quá cao thì hãy cẩn thận vì nước sẽ lưu lại trong đất rất lâu. Đất ngoài vườn luôn được các sinh vật như giun, côn trùng “đào xới” liên tục sẽ tạo nên các rãnh chằng chịt. Vì thế nước dễ dàng thẩm thấu và không lưu lại quá lâu trong đất. Tỉ lệ đất trồng trong chậu hợp lý là 40% đất sạch, 40% cát và 20% mùn. Nhưng khi trồng cây trong nhà, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng các loại giá thể trộn lẫn giữa đá perlite, đá pumice, xơ dừa,… thay vì trồng cây bằng đất như truyền thống.

Tham khảo bài viết: “TỔNG QUAN VỀ GIÁ THỂ TRỒNG KIỂNG LÁ – CÂY TRONG NHÀ”

Lỗ thoát nước bị tắc

Chậu cây cần lỗ thoát bên dưới để nước tưới thừa có thể thoát ra ngoài. Đôi lúc chậu cây có nhiều lỗ thoát sẽ đảm bảo hơn chậu chỉ có một lỗ thoát vì khả năng lỗ thoát duy nhất đó sẽ bị tắc.

Chậu cây quá to so với bộ rễ

Có thể bạn nghĩ rằng sẽ tốt khi cây có không gian lớn để phát triển và không cần phải thay chậu nhiều lần. Tuy nhiên điều này lại là sai lầm mà khá nhiều người mắc phải, quá nhiều đất trong chậu sẽ khiến khả năng hình thành những không gian tù mà nước không thể thoát ra được. Nấm mốc và vi khuẩn sẽ có điều kiện ủ bệnh tại những điểm chết này.

Chất liệu của chậu cây

Chậu nhựa, chậu đất nung hay chậu composite,… mỗi loại chậu sẽ có khả năng giữ nước khác nhau. Chậu đất nung tuy kín nhưng nước vẫn có thể thẩm thấu vào thành chậu và bốc hơi ra bên ngoài. Với cùng một lượng nước tưới cho chậu nung, chậu nhựa và chậu composite sẽ giữ nước lâu hơn và độ ẩm trong đất cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Ý chúng tôi không phải là sử dụng chậu nhựa hay composite cho cây trồng trong nhà là tệ, hãy điều chỉnh cách tưới cho phù hợp với những loại chậu khác nhau để tránh mắc sai lầm.

Tham khảo bài viết: “ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÁC LOẠI CHẬU TRỒNG CÂY”

Môi trường khí hậu thay đổi 

Thói quen tưới đều đặn theo chu kì có thể thành mối họa nếu môi trường khí hậu thay đổi. Nên nhớ rằng, cây cần ít nước khi nhiệt độ xuống thấp và nhiều nước hơn khi nhiệt độ cao. Giữ nguyên tần suất tưới hoặc lượng nước tưới có thể là một sai lầm ngay cả khi bạn đã tính toán lượng nước cần thiết cho cây. Sự biến thiên về nhiệt độ và độ ẩm sẽ làm sai lệch tất cả tính toán ban đầu.

Đối lưu không khí kém

Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp như thế này, ban đầu vườn của một gia chủ khá là thưa thớt vì là khu biệt thự mới xây nên cây trồng chưa nhiều, chỉ có những cây thân gỗ to đánh từ vườn ươm về và thảm cỏ nhật. Khi tưới dùng vòi phun tay thường sẽ tưới rất đẫm nước tràn ngập vườn. Tất nhiên sẽ vẫn không vấn đề gì cho đến khi chủ nhà mua thêm nhiều chậu cây, trồng thêm những cây leo bên ngoài tường rào bằng song sắt khiến đối lưu không khí trong vườn giảm rõ rệt. Chủ nhà yêu cầu chúng tôi lắp hệ thống tưới tự động nhưng vẫn thỉnh thoảng lấy vòi tay ra tưới cho gốc cây to. Hậu quả là những chậu cây gần những gốc cây to đều bị thối rễ và rụng lá. Bài học – khi đối lưu không khí kém đi thì lượng nước tưới cây cũng phải cắt giảm.

Trồng cây quá sâu trong đất

Rất nhiều giống cây trồng từ thân, rễ và cành theo phương pháp giâm cành. Nhưng không phải cây nào cũng có thể đâm rễ từ chồi nếu được trồng quá sâu trong đất. Có nhiều nguyên nhân, tầng đất phía dưới thường thiếu oxi, đất quá cứng để rễ đâm và nguyên nhân cao nhất là dinh dưỡng ở tầng đất dưới thường kém hơn lớp bề mặt nên cây không thể bén rễ. Chồi không thể bén rễ sẽ bị bệnh thối rễ tấn công và lây lan từ đây.

Tưới nước trong thời kì cây sinh trưởng chậm

Cây cũng ngủ đông! Cây cũng có chu kì sinh học theo mùa, điển hình là những cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới có 4 mùa rõ rệt như hầu hết các loài kiểng lá. Mùa đông là khoảng thời gian đại đa số thực vật trao đổi chất chậm nhất trong năm. Tưới nước trong thời gian này có thể sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cây. Kinh nghiệm – Hãy thật thông thái và hiểu biết về cây mà bạn định trồng.

HƯỚNG DẪN CỨU CÂY THỐI RỄ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT - OnlyPlants VN
HƯỚNG DẪN CỨU CÂY THỐI RỄ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT – OnlyPlants VN

Một vài yếu tố khách quan khác làm rễ cây bị nhiễm bệnh

Dùng chung các loại dụng cụ bị nhiễm nấm và vi khuẩn gây bệnh. Nếu bạn đang sử dụng dụng cụ để xử lý một chậu cây bị nhiễm bệnh nào đó mà lại tiếp tục sử dụng chúng ở chậu cây khỏe mạnh. Mầm bệnh lây lan sẽ tiếp tục gây bệnh ở chậu cây mới. Đây là điều không dễ giải quyết vì không ai xài riêng một cái bay xúc đất hay kìm cắt tỉa cho từng chậu cây. Bạn hãy chú ý để phát hiện sớm những biểu hiện của cây nhiễm bệnh trong lúc chăm sóc cây để khử trùng ngay những dụng cụ làm vườn.

Mua phải chậu cây đã bị nhiễm bệnh. Đây có lẽ là sự cố xui xẻo cho cả người bán lẫn người mua. Bệnh thối rễ thường lây lan một cách từ từ và thường là quá muộn cho những người trồng cây khi phát hiện ra. Kết hợp với việc dùng chung dụng cụ cho các chậu cây, bệnh lây lan mất kiểm soát cho cả khu vườn. Bạn nên chọn những nhà vườn uy tín để có bảo hành và nhận sự trợ giúp nếu cần. Nếu chẳng may, hãy cách ly chậu bị bệnh ngay ra khỏi khu vườn.

Sức đề kháng của cây giảm. Cây vốn dĩ chống chịu được ngập úng ở mức độ khác nhau tùy vào giống loài. Sức đề kháng có thể giảm do thiếu dinh dưỡng, tổn thương vật lý, cường độ sáng không phù hợp. Trong mọi trường hợp, vi khuẩn sẽ tấn công dễ dàng khi sức khỏe cây bị yếu. Giữ cây trong trạng thái khỏe mạnh thì bạn có thể phát hiện bệnh sớm hơn nếu có một vài biểu hiện bất thường.

Biểu hiện của bệnh thối rễ

Thật không may là những biểu hiện ban đầu bên ngoài thường không dễ dàng nhận biết và hay bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh lại không diễn ra trước mắt chúng ta.

Giai đoạn đầu của bệnh thối rễ – Cây trong tình trạng khỏe mạnh đột nhiên có biểu hiện lạ như lá bị vàng. Nếu bạn chăm bón dinh dưỡng đầy đủ thì khả năng cao bộ rễ có vấn đề, hãy mạnh dạn kiểm tra. Lá cây bị quăn lại vào ban ngày nhưng phục hồi lại vào ban đêm là dấu hiệu cây sắp bị bệnh do đất ngậm quá nhiều nước.

Giai đoạn báo động – chồi cây rộp lên và nhũn ra, lá cây úa tàn từ cuống. Vì cây bị thối mục từ chân lên ngọn, nên những biểu hiện này thường xuất hiện ở những bộ phận bên dưới trước. Thời điểm này, có thể không phải toàn bộ bộ rễ đều bị bệnh, nhưng sớm muộn gì bệnh sẽ lây lan sang hết bộ rễ nếu không ngăn chặn kịp thời.

Nếu bạn nghi ngờ cây bị thối rễ lúc này, hãy cẩn thận cào nhẹ lớp đất trên cùng để kiểm tra rễ. Một bộ rễ khỏe mạnh sẽ có màu trắng ngà hoặc đục. Khi bị bệnh sẽ có màu nâu và từ từ chuyển sang màu đen. Thân rễ khi có biểu hiện từ nâu chuyển đen dễ dàng bị tróc lớp thân ngoài để lộ các mô rễ bên trong.

Mùi hôi của những phần thân rễ bị hỏng sẽ khá dễ để nhận biết do vi khuẩn và nấm đang tấn công tiêu hóa bộ rễ sinh ra khí metan và hydro sunfua. Rễ khỏe mạnh sẽ không có mùi trừ một số cây hương liệu đặc biệt nên khi cào nhẹ bạn chỉ ngửi thấy mùi của đất trồng.

Giai đoạn cuối – toàn bộ rễ đã thối nhũn, các bộ phận khác của cây chết dần. Lúc này việc cần làm là bạn sẽ phải loại bỏ ngay lập tức chậu cây này. Hãy cách ly ngay với khu vườn và tìm cách xử lý chậu cây này một cách an toàn và vệ sinh nhất.

HƯỚNG DẪN CỨU CÂY THỐI RỄ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT - OnlyPlants VN
HƯỚNG DẪN CỨU CÂY THỐI RỄ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT – OnlyPlants VN

Cách xử lý và cứu cây thối rễ

Thay toàn bộ đất cho cây. Rửa sạch toàn bộ đất và giá thể cũ bám vào rễ. Dùng kìm hoặc kéo sắc bén cắt toàn bộ rễ bị hỏng (nên khử trùng dụng cụ trước và sau khi làm). Đoạn rễ khỏe mạnh thì phải sử dụng thuốc kháng nấm phun lên để loại bỏ mầm bệnh. Sau đó hãy thay chậu, sử dụng đất hoặc giá thể mới, thoát nước tốt và tránh tưới quá nhiều. Tránh đưa cây ra ngoài nắng gắt trong quá trình xử lý và sau khí đổi chậu vì lúc này cây đang yếu. Tạm thời không sử dụng phân bón để tránh rễ cây bị cháy trong giai đoạn này.

Tham khảo giá bán thuốc kháng nấm tại đây:

Cắt tỉa toàn bộ cành và lá bị héo. Thậm chí bạn phải cắt thêm những tán lá vẫn còn khỏe mạnh nếu nhiều phần rễ hỏng và sắp hỏng bị loại bỏ. Hãy cân bằng lại số lượng lá vì bộ rễ chỉ có khả năng nuôi dưỡng được ít hơn. Tưới nước cũng phải bị cắt giảm do rễ bây giờ ít hơn. Bạn nên áp dụng hình tưới tưới nhỏ giọt chậm để nước có thời gian thẩm thấu xuống phía dưới chậu, tránh tưới ồ ạt gây nên các điểm úng cục bộ trong đất. 

Sau khoảng 2 tuần, hãy sử dụng phân vi sinh để tái tạo hệ vi khuẩn có lợi trong đất. Nên sử dụng phân tan chậm thay vì phân bón thông thường.

Tham khảo các loại phân tan chậm tốt nhất tại SHOP của OnlyPlants VN

SHOP - OnlyPlants VN

Sử dụng máy đo độ ẩm đất để chắc chắn rằng đất có độ ẩm vừa phải không bị úng ngập.

Sử dụng bột vỏ quế và thảo quả như chế phẩm sinh học có thể phòng chống được mầm bệnh gây thối rễ do nấm gây ra. Tránh lạm dụng thuốc kháng nấm vì những loại này làm hại hệ vi sinh có lợi trong đất nên vô hình chung lại dễ làm cây bị thối rễ hơn.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one