Tưới nước cho cây cảnh là một nghệ thuật!
Nếu cây cảnh không được tưới nước đúng cách thì cây sẽ dễ bị thối rễ hoặc bị bệnh. Nắm vững 10 kỹ thuật tưới nước cho cây cảnh này, bạn có thể trở thành người làm vườn thông thái.
Mỗi cây cảnh, loài hoa bạn trồng có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau, môi trường sống thích hợp khác nhau do đó, cách tưới và lượng nước tưới cũng khác nhau.
Để bảo dưỡng cây cảnh trong chậu cần giữ độ thoáng khí đủ nước cũng như nhiệt độ môi trường, ánh sáng. Việc cây có thích nước hay không sẽ quyết định đến tần suất tưới nước của bạn.
10 lưu ý khi tưới nước cho cây cảnh:
1. Bạn thường tưới cây cảnh thế nào?
Để bảo dưỡng các chậu cây trong nhà, có một số phương pháp tưới nước phổ biến, đó là tùy thuộc vào độ khô và ướt của bầu đất mà tưới chứ không nên tưới nước thường xuyên.
Nguyên nhân là do nhiệt độ và ánh sáng sẽ thay đổi theo từng mùa và đất trồng trong chậu hoa cũng có thời gian khô khác nhau.
Do đó, những người chơi cây cảnh nên kiểm tra độ khô và ướt của đất chậu trước khi tưới cây. Chỉ đến khi đất trong chậu khô từ 3 đến 5 cm thì hãy kịp thời tưới nước.
Tip: Bạn có thể cắm ngón tay hoặc xiên tre vào bầu đất để dễ dàng biết được đất đã khô hay chưa. Nếu ngón tay không cắm được vào đất chứng tỏ đất quá cứng và không tơi xốp, không đủ cho độ thoáng khí cho cây phát triển.
Cây cảnh trong nhà không thể phát triển tốt nếu đất bị khô cứng, khi đó, rễ của chúng sẽ dễ thối.
2. Kiểm soát nước trong quá trình cây cảnh ngủ
Bạn cần lưu ý tưới ít nước hoặc ngưng tưới nước trong thời kỳ cây cảnh ngủ đông hoặc bán ngủ đông. Ví dụ khi nhiệt độ quá thấp cây không phát triển được nhiều, lúc này phải giảm tưới nước.
Nếu nhiệt độ nhiệt độ thấp, cây đã ngủ đông mà bạn còn thường xuyên tưới nước thì cây dễ bị tê cóng.
Nhất là khi bạn trồng xương rồng càng phải lưu ý. Chúng sẽ ngừng phát triển khi nhiệt độ cao vào mùa hè (trên 35 độ C) và nhiệt độ thấp vào mùa đông (dưới 5 độ C). Khi đó, bạn cũng phải chú ý kiểm soát nước cả vào mùa đông lẫn mùa hè đối với cây xương rồng.
3. Kiểm tra tình trạng của cây cảnh
Cây cảnh trong nhà có cần tưới hay không còn tùy thuộc vào tình trạng của cây. Một số bạn không thường xuyên tưới cây mà chỉ đợi đến khi lá hơi rũ và héo rồi mới tưới.
Nhưng không thể áp dụng phương pháp này thường xuyên, nếu không cây sẽ ngày càng kém phát triển.
Đa số mọi người trồng hoa đều tưới nước nhiều hơn nhu cầu của cây. Thông thường các bạn thấy bề mặt chậu đất khô thì cho rằng cây cần nước và tưới ngay.
Nhưng thực tế, khi lớp đất trên bề mặt khô thì bên dưới vẫn còn ẩm ướt, cây sẽ không cần nước lúc này. Nếu bạn tưới nhiều, đất thường xuyên ẩm, hay có nước đọng trên khay mà không được làm sạch kịp thời sẽ khiến rễ cây bị ngâm nước lâu, đặc biệt dễ gây úng rễ, thối rễ.
Khi tưới cây cảnh trong chậu, nếu đất hoặc nước đọng có mùi hôi thì cơ bản là cây cảnh đã bị nhiễm bệnh thối rễ.
Khi bạn thấy lá cây rủ xuống thấp thì rễ cây đã bị thối rữa do đất ẩm liên tục. Cây không chỉ rũ cành và lá khi thiếu nước mà tưới quá nhiều cũng có thể gây ra tình trạng này.
4. Làm thế nào để biết cây cảnh đã được tưới đủ nước?
Có người khi tưới cây chỉ tưới một chút nước, thấy đất ướt là dừng lại. Lại có bạn chỉ dùng bình tưới phun trực tiếp lên lá và đất, khi thấy đất ẩm thì cho rằng đã tưới kỹ. Nhưng thực chất, nước chỉ mới đi qua bề mặt của đất, chưa đến rễ.
Đây là lý do tại sao các chậu cây ngoài trời khi trời mưa nhẹ vẫn cần được tưới nước. Vì mưa nhẹ chỉ làm nước ngấm trên bề mặt, chưa đủ ngấm hết vào bộ rễ của cây.
Khi trồng hoa, cây cảnh trong nhà phải đảm bảo bầu đất khô ráo thì phải tưới nước thật kỹ. Khi tưới nên đổ trực tiếp vào bầu đất và tưới từ từ để đảm bảo đất bầu được ngấm nước đều, rễ cây hút được nước và đủ nước thì cây mới phát triển khỏe mạnh.
5. Tạo độ ẩm môi trường cho 1 số loài cây cảnh
Mỗi loài cây đều có những yêu cầu khác nhau về nước. Ví dụ như dương xỉ ưa nước và thích độ ẩm môi trường cao hơn nhiều cây cảnh khác. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn cần tưới nước thường xuyên cho dương xỉ mà còn phải phụ thuộc vào đất trồng trong chậu ướt hay khô.
Loại cây này ưa độ ẩm không khí cao hơn nên bạn có thể phun nước xung quanh. Nếu bạn chỉ phun nước vào lá thì lá thường không giữ được nước.
Do đó, vào những ngày không khí khô, bạn có thể dùng máy tạo ẩm để tăng độ ẩm cho môi trường, giúp dương xỉ phát triển tốt hơn.
Để trồng dương xỉ trong chậu, nếu đất trồng trong chậu đủ tơi xốp và thoáng khí, về cơ bản, bạn hãy đợi bề mặt đất khô khoảng 2-3 cm thì hãy tưới nước. Nhớ tưới kỹ, chậm để nước ngấm toàn bầu đất.
6. Phương pháp phát hiện độ khô và ướt của chậu cây cảnh
Thực tế rất đơn giản để nhận biết đất trong chậu cây cảnh có thực sự khô hay không. Nếu bạn là người có kinh nghiệm trồng hoa thì nhìn bầu đất khô trắng không là biết có nên tưới cây hay không.
Hoặc đơn giản hơn là chúng ta có thể cắm ngón tay vào đất để xem độ khô của đất. Nếu đất khô 3-5 cm thì cây thực sự cần tưới nước.
Bạn cũng có thể nhấc bầu cây lên để kiểm tra trọng lượng, bầu đất nặng hơn nếu được tưới nước kỹ, và nếu bầu đất khô hoàn toàn sẽ nhẹ hơn.
Nếu đất trong chậu tương đối khô và cây có lá rũ xuống thì phải tưới nước kịp thời. Nếu cây rũ xuống mà đất trong chậu vẫn còn ẩm thì có thể cây bị thối rễ.
7. Chú ý đến độ ẩm không khí và thông gió
Nhiều chậu cây trong nhà có xu hướng mọc đốm hoặc mốc trên lá, nguyên nhân có thể do độ ẩm không khí cao hoặc hệ thống thông gió kém.
Khi bạn thường tưới nước cho cây, hãy cố gắng đổ nước trực tiếp vào bầu đất chứ đừng đổ nước vào lá. Ngay cả bạn phun nước lên lá mà môi trường không thoáng khí, nước trên lá không bốc hơi nhanh thì cũng có hại cho cây.
Những giọt nước đọng trên lá rất dễ làm cho lá bị bệnh, bị đốm, trường hợp nặng còn chuyển sang màu đen và thối.
Nếu độ ẩm không khí trong nhà tương đối thấp và môi trường khô hanh thì ngọn lá của cây sẽ dễ bị khô và chuyển sang màu vàng.
Bạn có thể lắp đặt ẩm kế trong nhà, khi độ ẩm không khí cao thì phải tăng cường thông gió cho môi trường. Nếu ở không gian hạn chế thì bạn cần mở quạt nhỏ cho cây để tăng độ thông thoáng.
8. Lựa chọn đất trồng trong chậu cho cây cảnh
Nếu bạn trồng cây cảnh trong nhà thì phải nhớ chọn đất thoáng khí, trồng cây trong chậu có khả năng thoát nước cao như chậu đất nung.
Một số người trồng hoa cho rằng bầu đất trồng hoa không cần quá tốt, miễn “đất” là được. Nhiều người dùng ngay đất trồng rau để trồng hoa và cho rằng thế là cây phát triển tốt.
Nhưng cây cảnh có nhu cầu đất khác cây rau, cách chọn đất trồng hoa cũng khác. Nếu trồng hoa trên bệ cửa sổ hoặc ban công trong nhà, môi trường thông thoáng và nhiều ánh sáng thì nên chọn loại đất chậu tơi xốp và thoáng khí. Khi đó, đất khô nhanh, rễ cây sẽ phát triển tốt mà không dễ bị thối.
Còn nếu trồng hoa trong nhà kín gió, bạn có thể trộn một ít đá trân châu (perlite, đá bọt), đất than bùn, vỏ thông và xơ dừa vụn vào bầu đất. Còn nếu bạn muốn thêm đất trồng rau thì cũng phải khử trùng trước để tránh vi trùng tồn dư trong đất, có hại cho cây cảnh.
Nếu chậu cây bạn vừa mua về trồng trên đất vàng (đất thịt) thì nên loại bỏ lớp đất trên bề mặt chậu cây hoặc rửa sạch đất bằng nước, chỉ để lại lớp đất bọc bộ rễ. Sau đó, bạn cho thêm một ít đất tơi xốp và thoáng khí để cây được mọc rễ mới.
Khi trồng hoa trong nhà không nên để chậu trồng cây quá lớn, đặc biệt kiêng kỵ trồng hoa nhỏ trong chậu lớn (hoặc chậu quá sâu). Vì chậu lớn (chậu sâu) chứa quá nhiều đất, bề mặt chậu rộng do đó đất khô chậm. Điều này khiến rễ cây bị ngâm trong nước lâu rễ cây dễ bị thối rễ.
Chậu trồng hoa cũng cần có độ thoáng khí và thoát nước tốt, ngoài lỗ thoát nước lớn ở đáy chậu hoa thì nên trộn thêm một ít đất thông thoáng và thoát nước trong đất chậu, chẳng hạn như giá thể xơ dừa – perlite. Đá nên chiếm ít nhất 30% đất trong chậu.
Có 3 loại chậu thích hợp trồng hoa trong nhà đó là chậu đất nung, chậu ngói, chậu đá xanh. Các loại chậu này đặc biệt thoáng khí, nước trong đất chứa trong chậu này bay hơi nhanh, rất tốt cho sự phát triển của cây.
9. Độ ẩm và tần suất tưới nước
Độ ẩm là yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ bay hơi của độ ẩm đất. Một số loại cây trồng nhiệt đới trong nhà như hồng môn, các loại cây trầu bà, dong riềng và dương xỉ… đều cần độ ẩm không khí cao để phát triển.
Nhưng trong khi độ ẩm không khí cao thì phải đảm bảo môi trường sống của chúng được thông thoáng. Nếu không khí ẩm mà môi trường kín, lá thường xuyên giữ nước thì cây rất dễ bị nhiễm nấm bệnh như đốm lá, thối đen.
Vào mùa đông, khi căn phòng được sưởi ấm hoặc đóng cửa sổ, không khí sẽ rất khô, tốc độ phát triển của thực vật chậm lại và nhu cầu nước của chúng rất ít.
Nhưng nếu môi trường trong nhà ấm, môi trường không thể quá khô, đặc biệt là trong nhà có trồng cây nhiệt đới. Khi đó, biện pháp tốt nhất để tạo độ ẩm trong mùa đông là bật máy tạo ẩm.
10. Tưới nước theo từng loại cây cảnh
Mỗi loại cây cảnh có yêu cầu về nước khác nhau. Một số cây ban đầu mọc trong các khu rừng mưa nhiệt đới có nhu cầu nước cao hơn. Nếu đất trồng trong chậu khô nhanh thì cần tưới thường xuyên.
Nếu bầu đất khó khô, bạn cũng không nên tưới nước quá thường xuyên, cho dù là những cây có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới như hồng môn, lan hồ điệp… Hãy chờ lớp đất khô dưới 3 đến 5 cm thì mới tưới nước thật kỹ. Nếu đất không khô mà tưới nước thì chúng cũng sẽ bị thối rễ.
Để đất trong chậu nhanh khô và ướt theo chu kỳ, rất có lợi cho sự phát triển bộ rễ của cây.
Nếu là cây mọng nước hoặc cây xương rồng, bạn cần giảm tần suất tưới nước, đặc biệt nếu để trong nhà, môi trường thiếu ánh sáng, kém thông gió.
Source: https://danviet.vn/tuoi-nuoc-cho-cay-canh-la-mot-nghe-thuat-11-chu-y-khi-tuoi-nuoc-cho-cay-canh-20211210003332329.htm
Pingback: HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG NƯỚC VO GẠO TƯỚI CÂY ĐÚNG CÁCH ĐỂ KHÔNG LÀM CHẾT CÂY
Pingback: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ANTHURIUM CLARINERVIUM | Only Plants - Thế giới Kiểng lá và Cây cảnh trong nhà