Chậu cây Caladium Strawberry Star – Cây Môn Kem Dâu Tây hàng thuần khí hậu Việt Nam
Caladium Strawberry Star – Cây Môn Kem Dâu Tây là một giống lai tạo trong vô số loài (species) và giống lai tạo (hybrid cultivars) trong chi Caladium.
Trước đây các giống lai tạo Caladium được bán với giá rất cao, anh chị em mình muốn mua phải nhờ người nhập từ Thái Lan hoặc Trung Quốc về, nhiều lúc có tiền cũng không mua được do độ khan hiếm. Hồi đó thì mình chỉ dám mơ thôi làm sao mà dám nghĩ đến sở hữu mấy cây kiểng lá tuyệt đẹp này. Nhưng gần đây do tiến bộ của khoa học (phương pháp nuôi cấy mô) và quyết tâm nhân giống của nhiều vườn trên thế giới để “bình ổn giá” và đưa các loại Caladium trở nên phổ biến hơn với giá bán thấp hơn, các giống Caladium đẹp đã xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều với giá ngày càng rẻ. Mình thậm chí còn được một người bạn tặng vài cây rất to để nghiên cứu cách trồng cũng như nhân giống ở điều kiện khí hậu Hà Nội khá cực đoan.
Giới thiệu
- Tên tiếng Anh: Caladium Strawberry Star
- Tên tiếng Việt: Dâu Tây, Kem Dâu Tây, Môn Kem Dâu Tây, Môn Trắng, Môn Cảnh
- Tên tiếng Trung: 彩叶芋 (Cǎi yè yù) – Thái Diệp Vu
Quay lại 1 chút về chi Caladium. Cái tên Caladium là một từ có nguồn gốc từ chữ “kelady” của người da đỏ Nam Mỹ (South American Indian) với ý nghĩa là “không xác định”, “chưa được biết đến” (unknown). Đây là một chi gồm các loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được phát hiện bởi những nhà thám hiểm Tây Ban Nha vào những năm 1500s. Và đến giờ phút này, cá nhân mình vẫn thấy đây là một chi cây có nhiều điều “bí ẩn”.
Chăm sóc
- Đất: Sau nhiều thử nghiệm cũng như tham khảo nhiều anh em trồng, cá nhân mình thấy các cây Caladium nói chung và Caladium Strawberry Star nói riêng ưa đất luôn ẩm. Miễn là luôn ẩm nhưng không sũng thì cây sẽ phát triển tốt. Muốn luôn ẩm và không sũng (thoát nước tốt) thì mình hay dùng các loại giá thể như: Xơ dừa, xác rêu và gỗ thông vụn. Do ít tiền nên mình hay dùng 3 loại này, còn nếu anh chị em có điều kiện thì cứ Akadama của Nhật, đá perlite hay pumice mà chơi, cực kỳ tốt luôn.
- Tưới nước: Mình nhận thấy các cây Caladium ưa đất ẩm y như các loại dương xỉ (Ferns). Có thể hơi ẩm 1 chút chứ đừng để khô, nếu để khô 1 cái là rất dễ rụng cả cành và lá. Do mình giá thể chủ yếu là xơ dừa vụn với tính toán là 1 lít xơ dừa giữ được 8 lít nước nên cứ vài ngày mình tưới một lần khi cảm giác phần hỗn hợp bên dưới có vẻ không còn ẩm nhiều (dĩ nhiên là vẫn ẩm, chứ nếu để khô hẳn rất nguy hiểm). Trái ngược với Hương Thảo Rosemary, thà khô 1 tý chứ đừng ẩm thì mình cảm giác Caladium khá giống mấy cây Đậu Biếc, thà ẩm hơn 1 chút chứ đừng để quá khô (Đậu Biếc chỉ cần hơi khô 1 cái là lá vàng trong vài tiếng, rụng, nếu nặng hơn sẽ héo, giòn và rụng gần như hoặc toàn bộ lá).
- Ánh sáng: Mình thấy anh em cũng như tài liệu khuyên nên trồng cây ở môi trường ánh sáng trung bình đến cao nhưng không để cây hứng ánh sáng mặt trời trực tiếp. Mình nghe theo và thấy rất ổn. Trong môi trường ánh sáng yếu thì cây vươn về phía ánh sáng, nếu trồng khoảng 20 chậu gần nhau nhìn lá hướng hết về 1 phía như kiểu hoa hướng dướng rất thú vị. Do sợ hỏng cây mình chưa thử cho cây ra ánh sáng mặt trời trực tiếp (direct sunlight) như mấy cây Caladium Biocolor. Anh em đều chia sẻ nếu Caladium hứng direct sunlight sẽ cháy lá, tuy nhiên mình test mấy cây Caladium Biocolor trồng trên sân thượng không có che chắn, nắng trực tiếp khoảng 6 tiếng 1 ngày chiếu liên tục suốt mùa hè với giá thể duy nhất là hạt đất sét nung thì lá không cháy mà ra rất đẹp, rễ phát triển dài trắng phau phau.
- Độ ẩm: Caladium Strawberry Star của mình trồng trong phòng khách với độ ẩm tương đối thấp, chỉ tầm 60%, chỉ có những hôm mưa nồm mới lên hơn 80%. Theo nhiều tài liệu thì cây cần độ ẩm tương đối cao và cần thường xuyên lau chùi lá hoặc phun sương lá. Mình thì không chăm cây được đến mức đó và khá lo việc phun sương hay lau lá mà không kỹ dễ bị đọng nước trên lá và sinh ra các loại bệnh do nấm gây ra.
- Nhiệt độ: Vào mùa đông thì mình thấy cây đi vào trạng thái ngủ đông (dormant) và chỉ thực sự phát triển lại vào mùa xuân. Còn từ xuân đến thu khi nền nhiệt độ luôn từ 15 – 35 độ C (Có lúc ở Hà Nội cao hơn nhưng không thường xuyên vì mình để cây trong nhà nhận ánh sáng qua cửa kính) thì cây không có dấu hiệu stress, sống khoẻ và phát triển tốt.
- Phân bón: Mình hầu như không dùng phân bón, vào mùa phát triển của cây (mùa xuân) thì mình chỉ bổ sung phân NPK Đầu Trâu loại rẻ tiền mua trên shopee. Nói chung mình thích dùng phân hữu cơ hơn. Bã hoa quả ép hoặc vỏ hoa quả mình hay xa ra nước hoặc xay vụn rồi cho vào 1 cái xô có nắp đóng vào để nó tự phân huỷ ra dạng lỏng (mùi khá ghê) rồi mình chắt nước đó đổ vào gốc cây. À còn cho cả vỏ trứng nữa để bổ sung Canxi tự nhiên cho cây cứng cáp.
phucphuc168 –
Cây đẹp. Ở ngoài hơi bé
hadoquyen8503 –
Cây có 3 lá thì bị hỏng mất một lá, shop đóng hàng chưa tốt vì không chèn chặt miệng chậu nên khi mở ra thì cây nằm ngoài chậu. Lần sau shop vò ít giấy chèn miệng chậu và dán băng dính ra ngoài thì cây sẽ không bị tung ra. Tuy nhiên cây đẹp nên vẫn tặng dhop 5 sao. Hình chi để lấy xu thôi!